Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Kinh tế thị trường-tàn bạo và nhân đạo


Ai cũng nói tư bản là xấu xa, mấy ai hiểu nó thực chất là gì?
Kinh tế thị trường: Là một mô hình kinh tế dựa trên sự thừa nhận sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, thừa nhận quyền tự do kinh doanh. Quyền này được xem như một quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của con người. Tất cả những quyền trên được xã hội bảo vệ về mặt luật pháp. Kinh tế thị trường là lối làm ăn thuận mua vừa bán và dùng tiền là vật trung gian để trao đổi. Tiền trở thành vật có đầy quyền năng; có tiền nghĩa là có thể mua tất cả những gì người khác muốn bán. Hoạt động kinh tế là hoạt động kiếm tiền và tiêu tiền.

Lịch sử kinh tế thị trưởng manh nha thời phong kiến khi con người làm ra sản phẩm ngoài tự tiêu còn dư đem bán. Kinh tế thị trường xác lập và phát triển mạnh mẽ khi chủ nghĩa tư bản ra đời. Trong guồng máy kinh tế thị trường, mọi hoạt động kinh tế hướng đến một mục tiêu duy nhất: lợi nhuận. Mọi nhà máy trên địa cầu này: từ sản xuất đơn giản như cây kim sợi chỉ đến phức tạp như máy bay Boeing đều giống nhau một điểm duy nhất: chế tạo lợi nhuận. Lợi nhuận là mục tiêu tối thượng của tất cả doanh nghiệp, của guồng máy kinh tế. Lợi nhuận với doanh nghiệp như hơi thở của con người. Mọi hoạt động kinh tế không tạo ra lợi nhuận sẽ bị phá sản, chấm dứt, dẹp tiệm. Một nền kinh tế sôi động, trăm ngàn ngành nghề, doanh số hàng năm lên đến 15.000 tỷ USD như Hoa Kỳ chỉ có một định hướng duy nhất: lợi nhuận (tất nhiên là lợi nhuận hợp pháp).
Tàn bạo: Nền kinh tế thị trường là một cuộc chơi của đồng tiền. Có lợi nhuận là có tiền, có tiền là có tất cả, là ông chủ, là ông hoàng, có kẻ hầu người hạ, có quyền uy, có sự tôn trọng; ngược lại không có lợi nhuận là phá sản, là nghèo mạt, là ăn mày, sống vất vưởng đầu đường xó chợ. Trong nền kinh tế thị trường một doanh nghiệp không tạo ra lợi nhuận là thất bại, là thảm họa cho bản thân và gia đình. Đã làm kinh tế thì phải tính đến lợi nhuận, nếu không có lợi nhuận là tự treo cổ mình. Lợi nhuận là tối thượng là trên hết là trước hết. Kinh tế thị trường buộc người chơi phải nghĩ đến mình trước tiên. Nó giống như việc một người lính ra chiến trường, không có sự lựa chọn khi bóp cò súng: tôi không bắn anh thì anh bắn tôi. Kinh tế thị trường là một cuộc chơi lạnh lùng và khốc liệt. Câu nói “thương trường là chiến trường” nói lên tất cả. Vì sự sống còn của lợi nhuận mà các hành vi sau được áp dụng ở mọi ngóc ngách của kinh tế thị trường: trả lương nhân viên thấp nhất có thể, bán hàng giá cao nhất có thể, đầu cơ chọn điểm bán, cách bán sao cho có giá nhất, thay thế nguyên liệu có giá thành thấp hơn, chấp nhận nguy cơ độc hại, bán hàng lừa đảo, gian lận, xả thải ô nhiễm,…..cho đến cấu kết với công quyền để trục lợi, chèn ép người nghèo, người yếu thế,…..Chính động lực kiếm tiền làm phát sinh các quốc nạn: tham nhũng, hối lộ, bẻ cong luật pháp, lọc lừa công lý,…..thậm chí là chiến tranh: cầm súng giết nhau giữa các phe nhóm và dân tộc. Nạn mafia, buôn người,…..cũng do đồng tiền thúc đẩy. Nếu liệt kê các hành vi tội ác, tàn bạo gây hại con người, xã hội do động cơ tiền bạc thì không thể kể xiết. Vì lợi ích của mình, kẻ tinh khôn có thể đẩy cả xã hội vào khốn đốn, điêu tàn.
Nhân đạo: Kinh tế thị trường phải đi liền với nền chính trị “dân chủ tự do, đa nguyên, tam quyền phân lập, báo chí tư nhân”. Trong môi trường chính trị đó luật pháp nghiêm minh, mọi hành vi giả dối sẽ bị nghiêm trị, mọi hành vi mua chuộc, bẻ cong công lý đều bị phanh phui đến nơi đến chốn trước ánh sáng công lý. Và một điều đặt biệt nữa là kinh tế thị trường phát minh ra một công cụ tự kiểm soát nó: tính thương hiệu. Nền kinh tế thị trường với nền chính trị dân chủ như hai chân của con người. Hai chân đó không đi cùng nhau sẽ sinh ra khập khiễng nghiêm trọng, tạo ra thảm họa. Trường hợp kinh tế thị trường có đuôi định hướng XHCN của chế độ độc đảng cộng sản là một minh chứng sẽ bàn ở bài viết sau.
Về mặt chính trị & luật pháp: Trong nền kinh tế tự do, chính trị sinh ra để bảo vệ và phục vụ kinh tế (không có chuyện ngu xuẩn như chính sách đánh vào tư sản, tàn phá kinh tế). Mọi chính sách phải phục vụ mục tiêu tối thượng là phát triển kinh tế. Trong mô hình kinh tế này, kinh tế tư nhân đóng vai trò chủ đạo nên chính quyền chỉ có thể ban hành một chính sách khi nó đạt được sự đồng thuận cao, nếu chính sách gây ảnh hưởng đến kế sinh nhai, người dân sẽ phản đối mạnh mẽ. Chính điều này và thiết chế chính trị đa nguyên, đa đảng và nền báo chí tự do nên nền dân chủ bảo đảm giữ vững mà không bị phe nhóm nào thao túng, lũng đoạn.  Chính vì có sức mạnh kinh tế, không phụ thuộc bao cấp từ nhà nước nên người dân có tự do, có tiếng nói mà không phải sợ chính quyền như dân chúng ở các nước cộng sản (dân ở thể chế cộng sản bị chính quyền nắm yết hầu kinh tế). Nền chính trị dân chủ đã tạo ra luật pháp nghiêm minh, tính thượng tôn luật pháp rất cao. Trên nền luật pháp đó động cơ về lợi nhuận chỉ có thể được thỏa mãn qua những hoạt động kinh doanh đúng luật, mang lại ích lợi cho xã hội. Tất cả những hành vi kiếm tiền bẩn thiểu, lợi mình hại người đều bị trừng phạt thích đáng.
Về mặt sản xuất: Kinh tế thị trường đã tạo ra một cơ chế để con người nỗ lực lao động, làm việc kiếm tiền làm giàu. Giấc mơ làm giàu thúc đẩy con người không ngại khó khăn gian khổ, thức khuya dậy sớm, lên rừng, xuống biển để đi kiếm tiền. Suy nghĩ tìm tòi, phát hiện những nhu cầu, dù nhỏ nhặt nhất trong xã hội để thỏa mãn thị trường. Động cơ kiếm tiền và sự đảm bảo của một luật chơi minh bạch, công bằng như một mảnh đất nhiều dinh dưỡng giúp cho trăm hoa đua nở, trăm ngàn dịch vụ ra đời, trăm ngàn sản phẩm được nghiên cứu chế tạo, chuyên chở buôn bán. Hệ quả là của cải vật chất làm ra dồi dào, dịch vụ tận nơi, cuộc sống con người luôn được bảo đảm thoải mái nhất, tốt nhất, miễn là có tiền để chi trả. Mạch máu của nền kinh tế-ngân hàng trung ương-độc lập với chính phủ nên không bị lũng đoạn bỡi kẻ nắm quyền. Nhờ điều này mà nạn lạm phát được khống chế tối đa. Nền kinh tế không bị giật dây tạo thành tích theo ý lãnh đạo rồi để lại hậu quả lạm phát kinh hoàng tận diệt sản xuất.
Về giáo dục: nền kinh tế tư nhân cạnh tranh mạnh mẽ, chính trị đa nguyên cạnh tranh lãnh đạo nên đòi hỏi một nguồn nhân lực thực chất, một con  người thật sự tài năng, nếu không sẽ bị xã hội đào thải. Môi trường đó không có chỗ dung thứ cho kẻ dốt mà có bằng cấp cao. Chính điều này buộc người học thực học, nỗ lực cho việc học. Nền giáo dục tư nên trường ra sức giảng dạy, nghiên cứu, trao học bổng khuyến khích nhân tài nhập học để xây dựng giá trị thương hiệu cho trường. Tất cả những điều trên giúp cho ngành giáo dục phát triển rực rỡ, giáo viên thu nhập thỏa đáng, yêu nghề, tận tâm tận lực với nghề. Các quốc nạn học giả, sính bằng cấp, người học gian dối, giáo viên lương bổng chết đói, sống ngoắc ngoải không có đất để tồn tại.
Công bằng xã hội: Kinh tế thị trường ban đầu có cảm giác tạo ra sự khốc liệt, sự bất công nhưng kỳ thực chính nó là công cụ giúp tạo ra công bằng xã hội tốt nhất. Công bằng ở đây là công bằng về cơ hội, về năng lực, về khả năng lao động và thụ hưởng chứ không phải kiểu công bằng quái thai: cào bằng như CNCS. Môi trường chất lượng giáo dục tốt, con người có cơ hội được phát triển kỹ năng. Nền kinh tế tự do khai sinh hàng trăm ngành nghề, hàng ngàn xí nghiệp tạo nhiều cơ hội nghề nghiệp cho người lao động (trí lực, sức lực). Sự cạnh tranh nguồn nhân lực giữa các doanh nghiệp làm cho thị trường lao động tiến đến điểm có lợi cho người làm công ăn lương (được trả lương cao, môi trường làm việc tốt hơn). Cũng vì sự cạnh tranh làm cho thị trường hàng hóa tiến đến điểm có lợi cho người tiêu dùng (hàng hóa chất lượng, giả cả rẻ). Điều đặc biệt là nền kinh tế tự do đã phát minh ra một kiểu hợp tác làm ăn mới: công ty cổ phẩn. Với hình thức cổ phiếu đã cho phép những người công nhân với số vốn ít ỏi vẫn có thể tham gia sở hữu công ty để cùng chia lợi nhuận. Một điều nữa “có thực mới vực được đạo” khi nền kinh tế mạnh thì vấn đề nhân đạo hoặc các chính sách an sinh xã hội có điều kiện thực thi tốt. Xã hội an toàn và nhân văn cao. Môi trường sống được bảo vệ tốt nhất. An toàn thực phẩm được bảo đảm.
Khoa học & động lực sáng tạo: chính sự cạnh tranh của các thành phần kinh tế để thúc đẩy sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, sáng tạo ra sản phẩm mới lạ có tính cạnh tranh cao đã thúc đẩy khoa học phát triển. Rất nhiều sản phẩm công nghệ cao, rất nhiều lĩnh vực kỹ thuật tân kỳ được chính các công ty tư nhân phát minh và ứng dụng: máy tính, máy bay, phim ảnh,….Một điều nữa là chính nền hành pháp nghiêm minh, tôn trọng bản quyền, tôn trọng thương hiệu đã không phá hỏng sân chơi sáng tạo như bên các nước CS. Bất kỳ công dân nào từ tay trắng cũng có thể phút chốc thành tỷ phú nếu họ có phát minh sáng kiến giúp ích cho cộng đồng.
Kinh tế phát triển nó tự khắc thúc đẩy các ngành khác phát triển: nghệ thuật, phim ảnh, âm nhạc, hội họa, thơ ca,…...Phú quý sinh lễ nghĩa, khi kinh tế thịnh vượng, luật pháp nghiêm minh thì xã hội chan chứa tình người. Sống các nước như Canada, Bắc Âu, Úc,…bạn sẽ thấy điều trên.
Kết luận: Kinh tế thị trường tự do đã có một cuộc hành trình ngoạn mục, đi từ hình thức tưởng chừng tàn bạo sang nhân đạo. Ban đầu vì thiết chế chưa theo kịp nên tạo ra nhiều hậu quả từ lối làm ăn tự do, loài người cứ ngỡ đây là mô hình xã hội xấu xa, tàn bạo. Theo thời gian nó dần điều chỉnh để mang lại hoa thơm quả ngọt cho đời, cho nhân loại. Chính cái quyền được làm ăn tự do đã đưa đến kết quả thịnh vượng, lập thành quả xóa đói giảm nghèo lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Chúng ta lại nhớ đến vị thủ tướng lập quốc của một đảo quốc nhỏ bé-Singapore-nhưng thịnh vượng hàng đầu thế giới: ông Lý Quang Diệu. Ban đầu ông muốn xây dựng Singapore thành quốc gia XHCN theo chủ nghĩa Mác nhưng ông đã đổi ý. Trả lời cho nhà báo về sự đổi ý trên ông nói ngắn gọn: làm ra rồi mới có cái để cho. Đây vừa là điều đơn giản vừa là điều vĩ đại đã bẻ lái đưa dân tộc Singapore đến phồn vinh hôm nay.
Tất cả những điều chúng ta vừa bàn đến chính là nền kinh tế của một mô hình xã hội bị các đảng cộng sản trên thế giới bêu riếu là xấu xa, giãy chết: CHỦ NGHĨA TƯ BẢN.
PT TNCQ

1 nhận xét:

  1. Là Đặc Sản Quảng Bình nổi tiếng được trồng trên những cát trắng của Xã Hải Ninh, Huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng , khoai deo Hải Ninh nổi tiếng khắp ba miền bởi hương vị thơm ngon hảo hạng mà hiếm có loại khoai deo nào sánh bằng. Nguồn gốc khoai nguyên liệu tạo nên hương vị của khoai deo. Có lẽ chính cái nắng, cái gió từ tự nhiên đã tạo nên hương vị đặc biệt: bùi bùi, vị ngọt lắng sâu trong làm mê mẩn thực khách. Khoai Deo Hải Ninh, Quảng Bình là món quà tinh tế gửi tặng bạn hiền, tri kỷ, gửi gắm biết bao tình cảm chân thành của mảnh đất và con người miền nắng và gió Quảng Bình. Là một người con của vùng đất Hải Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình, Chúng tôi mong muốn được góp một phần nhỏ bé của mình vào việc quảng bá đặc sản quê hương đến mọi miền tổ quốc. Chúng tôi chuyên cung cấp sản phẩm Khoai Deo Hải Ninh với chất lượng vượt trội, được thu mua tận nơi sản xuất. Đảm bảo không sử dụng các chất có khả năng gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.Chúng tôi mong muốn được phục vụ quý khách hàng trên toàn quốc một các tốt nhất. Nếu quý khách có nhu cầu mua sản phẩm giá sỉ, vui lòng liên hệ với Hotline để đươc tư vấn
    Thông tin liên hệ đại lý bán khoai deo quảng bình: Tiểu Khu 5, thị trấn Quán Hàu, Quảng Ninh, Quảng Bình
    Hotline: 0979.453.416 (Ms Trúc)
    Fanpage: https://www.facebook.com/khoaideongonquangbinh

    Trả lờiXóa