Trang

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

CHƯƠNG TRÌNH DÂN HỮU HÓA

   Tổ quốc đang đứng trước những thách thức. Để phá vỡ những thách thức đó sẽ có nhiều cách, nhiều chọn lựa. Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất là chúng ta phải tìm ra một chiếc chìa khóa, chứ không phải đập đổ như đã từng làm trước đây. Chìa khóa đó như thế nào? Nằm ở đâu?
chương trình trao trẢ công sẢn cho ngƯỜI lao đỘng
(Chương trình dân hỮu hóa)
Chừng nào đất nước này vẫn còn những công dân sẵn sàng đấu tranh vì quyền lợi của họ,
thì chúng ta còn được gọi là một nền dân chủ.
Roger Nash Baldwin
Quốc hữu hóa-con đường đói nghèo
Cổ phần hóa-con đường cướp đoạt
Dân hữu hóa-con đường thịnh vượng
A.  Lý luận chung:
    Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng “kinh tế cũng là chính trị”. Con người sinh tồn, hạnh phúc từ hoạt động kinh tế, chính trị sinh ra để bảo vệ kinh tế. Chính trị phù hợp, kinh tế phát triển, mọi người hạnh phúc, chính trị lạc hậu kinh tế èo uột, nhân dân đói nghèo, bất hạnh, chỉ một nhóm nhỏ hưởng lợi.
    Kinh tế đẩy chính trị: lịch sử cho thấy từ chính sách kinh tế có thể đưa đến thay đổi chính trị. Suy cho cùng tầng lớp bảo vệ nền chính trị hiện tại cũng vì quyền lợi kinh tế.
    Chính sách kinh tế đúng là chính sách kinh tế mang lại quyền lợi cho đại bộ phận nhân dân, khơi thông lực lượng ủng hộ mạnh mẽ.

B. Tình hình Việt Nam và giải pháp
I. Thực trạng: 

   Nền kinh tế Việt Nam được xây dựng theo chủ trương của ĐCS “kinh tế thị trường, định hướng XHCN”, dẫn đến doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng lớn, nắm gần hết các nguồn lực, chi phối các yết hầu của nền kinh tế đất nước. Kết quả cuối cùng tất yếu là các thảm họa vang rền mang tên Vina, nợ nần đầm đìa, kéo chìm nền kinh tế; kinh tế tư nhân phần lớn èo uột, suy sụp, phá sản, số còn lại đầu cơ, chụp dựt, làm sân sau, sân trước cho các tàu há mồm là chính. (1)
   Nguyên nhân được chỉ ra: Mô hình kinh tế nhà nước là mô hình kinh tế duy ý chí, trái qui luật, khi vận hành nó chống lại bản ngã tự nhiên con người là chủ nghĩa cá nhân, đưa đến tình trạng cha chung không ai khóc, sụp đổ là tất yếu!
   Cả xã hội đều biết nhưng nó vẫn tồn tại, vì nó mang lại quyền lợi cho kẻ nắm quyền và tay chân. Kẻ nắm quyền dựa vào chủ thuyết chính trị để hưởng lợi, tạo ra siêu quyền lực. Tìm mọi cách bảo vệ quyền lợi đang có là một thuộc tính tự nhiên của con người. (2)
   Hậu quả là tạo ra một đất nước yếu kém, một xã hội nhiễu nhương, xuống cấp mọi mặt, nhân dân  khốn khổ, kinh tế sụp đổ, dân tộc suy vong, nguy cơ mất nước. Hưởng lợi chỉ có duy nhất một nhóm nhỏ chóp bu nắm quyền!
II. Giải pháp:
1. Các giải pháp hiện có:
a1. Giải pháp nhà nước:
    Nhà nước đang thực hiện chương trình tái cơ cấu kinh tế ở tất cả các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, doanh nghiệp nhà nước,…..dù dùng nhiều mỹ từ mô tả, vòng vo, ảo thuật, né tránh,…nhưng thực chất của việc tái cấu trúc nền kinh tế rất trần trụi: bơm tiền nhà nước (tiền dân) giải cứu các khoản nợ: khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ; bán các công ty nhà nước làm ăn bết bát, cổ phần một số nhưng mục tiêu là làm sao giữ  lại càng nhiều con bò sữa càng tốt và bằng mọi giá giữ cho được thể chế chính trị hiện tại để bảo vệ quyền lợi. Lòng tham con người, lòng tham kẻ nắm quyền rất kinh khủng. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng nguyên lý “ăn cây nào, rào cây đó” không bao giờ sai! Qua bận này, kinh tế hồi phục thu được tiền thuế của dân thì xây lại các quả đấm thép, như đã làm ở các lần trước.
a2. Viễn kiến kết quả:
     Thành công: Suy thoái kinh tế kéo dài trong khoảng 10 năm, toàn dân phải thắt lưng buột bụng để khắc phục hậu quả (tầm 2 triệu tỷ), đảng sẽ duy trì quyền lực, chính trị ổn định, dân nghèo càng nghèo, nhóm giàu càng giàu, nhóm trung lưu cũng bị bốc hơi tài sản. Tài nguyên bị bán tháo cạn kiệt, chủ quyền bị xâm lấn, nguy cơ toàn dân làm nô lệ kiểu hiện đại. Doanh nghiệp nước ngoài, tư bản cánh hẩu thâu tóm hết nguồn lực kinh tế. Ổn định trong đói nghèo, tuyệt vọng! Xu hướng tạo ra nền chính trị độc tài, siêu quyền lực.  Quyền lực chính trị, kinh tế nằm trong tay một nhóm nhỏ người như kịch bản nước Nga hậu Xô Viết.
     Thất bại: Các nhóm hưởng lợi níu kéo, kinh tế sụp đổ, phong trào chống đối bùng phát, bạo loạn, tài sản bị nhóm chóp bu tuồn ra nước ngoài, thể chế đa nguyên xuất hiện, có bầu cử tự do. Khi đó nền kinh tế lụn bại, cũng bị nước ngoài, và một nhóm nhỏ thâu tóm. Kịch bản như nước Nga và các nước Arap. Cái gọi là mùa xuân Arap, nhiều người hồ hởi cho là cuộc cách mạng dân chủ, nhưng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng đó chỉ là cuộc “đảo chính” của các nhóm độc tài. Tôi đồng ý với quan điểm này, lúc đó nhân dân không khác gì một đàn gà, lừa từ chuồng này sang chuồng khác, tất nhiên có dễ thở hơn!
b1. Giải pháp của các phong trào đấu tranh:
    Rất nhiều phong trào từ trong nước đến ngoài nước đã nhận thấy sự bất ổn, bất công của nền chính trị hiện tại, thấy được nguyên nhân nền kinh tế kiệt quệ, thấy được sự tốt đẹp của nền kinh tế, chính trị ở các nước tiên tiến, muốn thay đổi theo hướng đó. Từ chủ trương quyết liệt là giải thể đảng cộng sản (trung dung hoặc mang ít màu sắc thù hận, phục quốc) đến ôn hòa là cộng tác với đảng để thúc đẩy quyền con người, cải biến đất nước. Tất cả tập trung vào hình thức nhà nước pháp quyền, dân chủ (đa đảng, bầu cử tự do, tam quyền phân lập, tự do báo chí) và dân quyền. Đạt được điều đó sẽ có nước thịnh, dân cường.
b2. Viễn kiến kết quả: (độc giả nhận định).
2. Giải pháp của “phong trào thanh niên cứu quốc”:
a. Nhận định và niềm tin:
     Một sự chuyển biến tất yếu của lịch sử dân tộc từ chế độ độc đảng hiện nay sang mô hình nhà nước dân chủ, pháp quyền, đa nguyên, tam quyền phân lập. Nhà nước pháp quyền, dân chủ chỉ thực sự tồn tại khi người dân nắm kinh tế. Kinh tế ảnh hưởng lớn đến chính trị (có tiền-có quyền-có tiếng nói-có dân chủ-có pháp quyền). Xã hội chỉ phát triển thịnh vượng khi có một nền kinh tế tương đối cho nhiều người (lớp trung lưu mạnh).
    Chương trình tái cấu trúc kinh tế  hiện nay sẽ tạo ra ảo thuật mua bán, thâu tóm của các đại gia trong và ngoài nước, tạo ra các trùm tài phiệt, gây trở ngại cho nền dân chủ thật sự (nhận định và bài học tại đây). (Trong đất nước có vài trùm nắm kinh tế, khi đó sẽ chi phối hoặc hôn phối với chính trị, mua chuộc báo chí, gian lận bầu cử,…rất khó để có dân chủ thật sự).
    Xã hội chuyển biến thuận lợi, hòa bình khi cuộc chuyển đổi mang lại lợi ích rộng khắp cho mọi tầng lớp nhân dân và được nhân dân  ủng hộ (với đại đa số người dân vất vả mưu sinh, chỉ khi có quyền lợi sát sườn họ mới quan tâm, tham gia).
    Tái phân phối tài sản là một động lực to lớn cho tranh đấu cách mạng. (Rất trần trụi nhưng thực tế lịch sử ngàn năm loài người chứng minh nguyên lý trên, các khẩu hiệu “cướp giàu, chia nghèo” “dân có ruộng cày” “vô sản đoàn kết, quyền lợi về tay”…..).
    Quyền lợi chỉ có thể khống chế, đánh bật bỡi quyền lợi (để chống TQ bành trướng ta mời Mỹ, Ấn Độ, Nga là vì vậy). Hiện tại một nhóm nhỏ hưởng lợi, ra sức bảo vệ nó. Muốn có thay đổi, phải đánh bật lũ chuột ra khỏi kho gạo. Muốn đánh bật chúng phải có lực lượng mãnh mẽ vượt trội để tạo ra thế bất chiến tự nhiên thành. Lực lượng hưởng lợi mạnh mẽ, chính nghĩa nhất là toàn dân.
b. Giải pháp:
b1: Quan điểm của phong trào:
    Tài sản công: Bao gồm tất cả công ty, xí nghiệp, tập đoàn nhà nước, vốn góp của nhà nước trong các hoạt động kinh tế. Theo thống kê đến năm 2011 có 13 tập đoàn kinh tế và 96 tổng công ty nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con,…, tài sản công còn nằm ở các nhánh: chợ búa, bệnh viện, trường học, dịch vụ môi trường, cơ sở báo chí, đài truyền hình,…. Khối tài sản này hình thành từ: thuế, lạm phát, vay nợ (ODA), bán tài nguyên, sức lao động, đất đai (bảo vệ bằng xương máu nhân dân), chương trình quốc hữu hóa,……tích lũy trong thời gian qua.
    Xưa, chúng ta tập trung tài sản vào tay nhà nước "quốc hữu hóa" với niềm tin mang lại cơm no áo ấm, nay điều đó đã trở nên sai lầm, chúng ta cần sửa sai lầm tận gốc: "dân hữu hóa", trả tài sản lại cho người lao động. Các quá trình "tư nhân hóa (Nga)" hay "cổ phần hóa (VN)" thực chất là quá trình cướp đoạt hợp pháp thành quả của toàn dân, tạo ra lớp siêu tỷ phú. Hình thành mối nguy cản trở lớn trên đường hướng đến mục tiêu dân chủ, thịnh vượng.
    Với quan niệm nhà nước phục vụ: nắm luật pháp, tuyệt đối không nhúng tay làm kinh tế, không chấp nhận lý thuyết nhà nước kinh doanh, phục vụ công ích. Đây là trò mị dân. Cần chấm dứt.
    Sự phân chia này mang tính công bằng tương đối, không thể tuyệt đối được, nhưng còn hơn bị cướp đoạt.
b2. Kế hoạch:
- Mục tiêu:
+ Mỗi hộ gia đình có tài sản để làm kế sinh nhai (đơn vị tính phân chia là hộ gia đình), có quyền lợi để ủng hộ sự thay đổi, có động lực để bảo vệ nền dân chủ, có sức mạnh kinh tế để trở thành người tự do.
+ Bảo đảm quyền lợi người giàu hiện tại.
+ Các nghĩa vụ về người có công, lương hưu giữ nguyên.
+ Các quan hệ tài chính giữa nhà nước-công dân; công dân-công dân giữ nguyên.
+ Tôn trọng các hợp đồng tài chính, kinh doanh đúng luật chính phủ trước đã ký.
+ Tuân thủ các trách nhiệm tài chính mà chính phủ trước ký đúng luật với đối tác nước ngoài.
- Thực hiện: (khẩu hiệu: người nông thôn sở hữu đất, người thành phố sở hữu nhà máy-vậy là tương đối công bằng)
Nhóm 1: Ruộng đất: Tất cả ruộng đất được trả lại quyền tư hữu cho người dân.
Nhóm 2: Tài sản nhà nước: bao gồm tất cả các công ty, xí nghiệp, đất đai, công trình, cổ phần,….hiện do nhà nước sở hữu. Phần tài sản trên được phân cho toàn dân với nguyên tắc như sau:
·  Những cá nhân đang làm việc tại đó.
·  Những người có công đóng góp cho sự thay đổi.
·  Hộ nghèo, bần cùng.
·  Gia đình có thân nhân làm việc cho quân đội, công an.
·  Viên chức chấp nhận giảm biên chế.
·  Người thân thích, có mối quan hệ với những người đang làm ở đó.
·  Người cùng ngành nghề. (Ví dụ doanh nghiệp do quân đội kinh doanh thì chia cho quân nhân.)
·  Cán bộ cấp cao trước, cấp thấp sau.
·  Mỗi hộ gia đình nhận không quá một mức nhất định.
·  Chia theo phương án công ty cổ phần (bảo đảm việc phân chia không ảnh hưởng đến vận hành).
c.  Cơ quan thực hiện: Chính phủ dân chủ hậu CS.
d.  Nguyên tắc thực hiện: Minh bạch. Luật hóa.
III. Khai thông những bế tắc:
   Việt nam chúng ta đang lâm vào bế tắc kinh tế, kinh tế bế tắc bắt nguồn từ bế tắc chính trị. Bế tắc chính trị bắt nguồn từ quyền lợi. Xã hội bế tắc vì nhóm nhỏ có lợi nắm chính quyền hoặc tay chân của chúng, phần lớn người dân thấy cần thay đổi nhưng không có động lực (không thấy quyền lợi thiết thực sát sườn), chưa có qui định ràng buộc để tạo sức mạnh.
   Chính sách “trao trả công sản cho người lao động” là một chính sách mang lại lợi ích cho mọi người, cho tương lai đất nước. Không gây hại đến thế lực chống đối.
   Quá trình tái cấu trúc kinh tế hiện tại bị cản trở bỡi những thế lực hưởng lợi, hoặc thế lực muốn suy kiệt hơn nữa để thâu tóm. Với chính thể hiện tại, cộng đồng quốc tế ngại ủng hộ, tài trợ vốn nên thiếu vốn. Cả xã hội suy thoái trầm trọng, lạm phát, thất nghiệp, phá sản, bế tắc là những gam màu chủ đạo. Chương trình này dẫn đến toàn dân đồng thuận cho nền dân chủ. Trong chiến lược dân chủ hóa toàn cầu để giải mối nguy nhà nước độc tài TQ, chắc chắn các nước văn minh sẽ ủng hộ, cung cấp các khoản viện trợ, vay để cấp cứu nền kinh tế hiện tại (tôi cho tầm 120-150 tỷ USD là con số quá nhỏ để trả cho vị thế chiến lược Việt nam khi dân chủ hóa).
   Cơ hội lớn để tái thiết toàn bộ nền kinh tế, chính trị đi vào đúng vĩ đạo, đúng nguyên lý. Có thế là lực để thực hiện tinh giảm bộ máy hành chính, có cơ hội thực hiện nền kinh tế minh bạch (ai muốn nhận công sản phải khai báo minh bạch tài sản).
   Cơ hội để hồi phục nền kinh tế nhanh vì dân có tài sản sẽ ra sức lao động, tự tin chi tiêu, hàng tồn kho sẽ bán được, tránh nguy cơ phá sản. Năm 1997 khủng hoảng trầm trọng ở châu Á: Thái Lan, Hàn Quốc bị rất nặng nhưng hồi phục rất nhanh.

    Một bộ phận không nhỏ người Việt Nam đang sinh sống khắp năm châu, khá thành công, luôn mong muốn về cố hương. Bao năm qua với nhiều lời kêu gọi nhưng kết quả chưa đạt được vì thể chế chính trị hiện nay người thực tài rất khó làm việc, với sự thay đổi này, một làn sóng hồi hương của người Việt sẽ khởi động, đất nước sẽ hưởng lợi và phát triển
C. Cách tiến hành:
- Đăng bài lên web, blog.
- Truyền tin trên mạng.
- Truyền tin ngoài đời.
- Tạo ra diễn đàn thảo luận.
- Xây dựng phong trào.
- Đấu tranh qua biểu tình, qua đối kháng bất bạo động.
D.    Lời kêu gọi:
THƯ KÊU GỌI
Việt Nam, ngày 20 tháng 6 năm 2012
    Kính gửi: Người Việt Nam trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài.
   Từ truyền thuyết, chúng ta là anh em trong bọc trăm trứng. Từ thực tế, chúng ta chung nhau tiếng nói, tổ quốc và cùng chung nỗi lo lắng về sinh tồn, về tương lai con cháu.
   Hiện tại đất nước suy kiệt, mọi người cùng khốn khổ. Chúng ta cùng chung các bế tắc kinh tế, tệ nạn xã hội, cùng chung về một tương lai u ám. Viễn cảnh đất nước phải rơi vào vòng nô lệ, nước mất nhà tan đang cận kề, sự tồn vong của con cháu bị đe dọa!
   Là một người dân Việt Nam, tôi xin gửi đến quý vị một giải pháp, ngõ hầu giải quyết những bế tắc hiện nay, tìm lối thoát cho tất cả mọi người. Hướng đến một tương lai nước cường, dân thịnh.
   Rất mong mọi người quan tâm bàn luận. Rất mong nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng.
           Trân trọng

      Nguyễn Văn Thạnh
Tham khảo thêm các bài viết của Nguyễn Văn Thạnh:

16 nhận xét:

  1. Hỏi đáp để hiểu vấn đề thêm:
    1.Hỏi:
    Tài sản của các tập đoàn là của toàn dân, cho nên phát không cho công nhân viên của tập đoàn thì e rằng "danh không chính thì ngôn không thuận".
    Sở dĩ ngày xưa khoán là vì khởi đầu đất đai là sở hữu của dân, nhà nước quốc hữu hóa, sau thấy sai lầm họ mới trả lại cho chủ cũ (chỉ riêng cái quyền sữ dụng đất).
    Trả lời:
    Về mặt tài tài sản, đất đai hay tài sản trong công ty quốc doanh đều là một, đều là kế sinh nhai. Đây là khối tài sản tích lũy nhiều kênh: thuế, lạm phát, vay nợ,....đây là công sức của toàn dân. Trước kia ta có niềm tin "quốc hữu hóa" để có nền sản xuất lớn, mang lại cơm no, áo ấm cho dân. Ngày nay điều đó hoàn toàn sai, sửa sai nên sửa triệt để, nên trả lại cho dân là đúng. Thực hiện qua cổ phần hóa, buôn bán có nguy cơ bị bắt tay cướp đoạt.
    Tính pháp lý của chủ trương: Không luật pháp nào cho phép hay ủng hộ việc lấy của người này chia cho người khác. Điều này chỉ xảy ra khi xã hội đã quá thối nát, quá bất công, dân chúng trị khốn khó, triệt đường mưu sinh và cách mạng phải xảy ra để tái phân phối tài sản như ta đã thấy các cuộc cách mạng trong lịch sử. Cách mạng xảy ra đi kèm tái phân phối tài sản và những đạo luật riêng mà cả xã hội phải chấp nhận vì lợi ích chung. May mắn là hiện nay phần lớn tài sản chưa tư nhân hóa hết, về danh nghĩa là của toàn dân, là của công, nên lý lẽ đưa ra cũng đơn giản (nếu đã tư nhân hóa hết như bên Nga, mấy ông trùm đăng ký quốc tịch nước ngoài như Roman_Abramovich thì rất phức tạp, nhiều khi là potay): của dân trả lại cho dân, làm ở đâu chia nhau sở hữu ở đó, với một hạn mức nhất định, phần dư ra chia cho người khác.

    Trả lờiXóa
  2. 2 Hỏi: Tính công bằng của chương trình "dân hữu hóa"?
    Trả lời: chỉ có thể là tương đối. Với công nghệ thông tin, Việt Nam có tầm 20 triệu hộ gia đình, điều này không khó để quản lý. Chương trình "dân hữu hóa" hoàn toàn minh bạch thông tin để dân biết, giam sát. Cái được là được lâu dài cho tương lai đất nước.
    3. Hỏi: Tính khả thi của chương trình? Liệu quá trình có làm đình đốn sản xuất không?
    Trả lời: Với công phương thức công ty cổ phần, thay vì một vài tỷ phú bổ tiền ra mua, họ đứng tên cổ phiếu thì số đó chia cho người lao động (một hạn mức, vấn đề sở hữu và quản lý tách bạch nhau nên không ảnh hưởng đế sản xuất (rất buồn cười là nhiều bạn nghĩ quá trình phân chia nghĩa là tháo rời nhà máy, mỗi người lấy một thiết bị.) Với sự tư vấn các công ty chuyên nghiệp và công nghệ máy tính, việc trên trở nên khả thi hơn nữa. Việc này cũng như quá trình tái cơ cấu kinh tế, một chính phủ dân chủ hậu CS sẽ nhận được sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, với khoản vay có giá trị để tiến hành.
    4. Hỏi: Công nhân được sở hữu, nhưng họ lại số đông, không có kiến thức, quản lý thế nào? Họ có rơi vào vòng phụ thuộc cán bộ quản lý như thời nhà nước?
    Trả lời:Hình thức công ty cổ phần đã tách việc quản lý với sở hữu, 1.000 công nhân sở hữu, không quản lý được, họ hoàn toàn có thể thuê quản lý, thuê tư vấn với yêu cầu làm ăn có hiệu quả, không bị sa thải như giải bóng đá ngoại hạng Anh. Trong môi trường kinh tế tự do, nhà nước pháp quyền các công ty tư vấn, quản lý sẽ làm tốt để giữ thương hiệu, ít còn cảnh lừa đảo, chụp giật như hiện nay.
    Trong môi trường quốc doanh, công nhân không có sở hữu, họ không có tiếng nói, số phận họ bấp bênh nên hoàn toàn lệ thuộc vào lãnh đạo. Khi có tài sản, tâm thế là chủ sẽ khác đi. Có tiền là có tiếng (nói),

    Trả lờiXóa
  3. 5.Hỏi:
    Giáo viên có hưởng lợi trong chương trình dân hữu hóa không?
    Trả lời:
    Rất nhiều người không hiểu được khái niệm: giáo dục cũng là một ngành nghề, thực chất nó cũng là một doanh nghiệp với đầy đủ tính đặc trưng của nó: đầu vào, đầu ra, khách hàng, thương hiệu, lợi nhuận.
    Hiện tại giáo dục là một siêu công ty nhà nước, trùm tham nhũng, rút ruột, lãng phí, chuyên cung cấp sản phẩm tồi cho xã hội (học đại học 5 năm ra trường không làm được cái gì nên hồn. Trong khi đó người lao động: giáo viên thì thu nhập chết đói, người học bị hành hạ, không được tôn trọng như thượng đế.
    Chủ trương của"dân hữu hóa" cũng trao nó cho giáo viên sở hữu, chỉ khi đó họ mới làm tốt, dạy tốt, tạo ra sản phẩm có chất lượng, vì chỉ như vậy họ mới có khách hàng, có thu nhập, sống giàu có. Điều này không có gì xấu: Harvard cũng là một trường tư, vô cùng nổi tiếng, luôn chế tạo, xuất xưởng những sản phẩm đỉnh cao chất lượng!
    Tất nhiên có cơ chế hỗ trợ cho người nghèo đi học: Trả chi phí cho họ học, còn việc học ở đâu do học quyết. (Các trường cạnh tranh nhau để có khách hàng)
    Trong nền kinh tế dân doanh, chính trị pháp quyền, đa nguyên cạnh tranh, người học buộc phải học thật (học giả bằng thật ra không được việc thì còn sống dở, chết dở, người dạy phải dạy thật. Dân hữu hóa không chỉ giải quyết bài toán kinh tế mà còn giải quyết hiệu quả bài toán giáo dục nước nhà lâu nay bế tắc.
    6.Hỏi
    Nhân viên ngành y: bác sĩ, y tá,....có hưởng lợi trong chương trình "dân hữu hóa" không?
    Trả lời: Ngành y hiện tại cũng là một siêu doanh nghiệp nhà nước như ngành giáo dục, cũng chứa nhiều bệnh tật kinh niên như vậy. Chủ trương "dân hữu hóa" sẽ trao tài sản cho nhân viên ngành y như giáo dục và chính sách hỗ trợ người nghèo cũng vậy.

    Trả lờiXóa
  4. 7.Hỏi
    Tôi là sinh viên, tôi có hưởng lợi gì từ chương trình dân hữu hóa không?
    Trả lời:
    Chủ trương có công thưởng, nếu bạn có đóng góp để phong trào lớn mạnh, bạn được sở hữu cổ phần trong công sản, bạn có thể đứng vào lớp tinh hoa lãnh đạo đất nước. Nếu gia đình bạn có người làm nhân viên công ty nhà nước thì bạn đã gián tiếp giúp họ.
    Nếu bạn là dân thường thì bạn hưởng một đất nước dân chủ, kinh tế phát triển, bạn ra trường có việc làm tốt, thu nhập tốt.
    8.Hỏi
    Tôi là doanh nhân, tôi có lợi gì không?
    Trả lời:
    Môi trường hiện nay, nền kinh tế không minh bạch, dù bạn có tài năng thì bạn cũng rất có thể là nạn nhân thê thảm (xem bài không thoát khỏi bàn tay Phật Tổ). Nếu bạn lâm vào khó khăn đang mong chờ thị trường hồi phục sẽ rất lâu, có khi bạn kiệt quệ và bị thâu tóm. Dân hữu hóa không chỉ là một chủ trương về kinh tế mà nó còn kéo theo sự thay đổi chính trị, hướng đến nhà nước pháp quyền dân chủ. Trong môi trường dân doanh tự do, minh bạch, pháp luật có tính nghiêm minh, minh bạch sự nghiệp của bạn càng thăng hoa. Nếu không đủ sức cạnh tranh thì bạn có thể chọn phân khúc nhỏ hơn, thật sự bất tài thì làm công ăn lương trong xã hội thịnh vượng cũng tốt hơn cảnh chạy chọt, nhậu nhẹt mà án phá sản luôn rình rập.
    Quan trọng bậc nhất là với "dân hữu hóa" sẽ nhận được sự trợ giúp để tái thiết kinh tế nhanh, sức mua thị trường sẽ hồi phục nhanh, cơ hội cho bạn thoát hiểm trong trận bão phá sản năm nay rất lớn.

    Trả lờiXóa
  5. 9.Tôi làm việc ở báo chí, tôi có hưởng lợi không?
    Trả lời:
    Chủ trương dân hữu hóa thực hiện việc trao trả công sản cho người lao động để thực hiện nền kinh tế dân doanh. Trong nhà nước pháp quyền, dân chủ, báo chí tư nhân và độc lập với chính quyền. Tất cả các tài sản hiện có: báo chí, truyền hình, truyền thanh,...đều chia, trao trả cho người lao động ở đó.
    Có một đặc tính đặc biệt của truyền thông trong chủ trương "dân hữu hóa" là tạo ra cán cân quyền lực nhanh chóng nghiên về cách mạng (bất chiến tự nhiên thành) hay nghiên về phe chính quyền (bạo lực dây dưa), do vậy cũng có qui định riêng cho nhóm này:
    - Phần sở hữu cho một người sẽ cao hơn mặt bằng chung xã hội.
    - Khi có lệnh ban ra, không lên tiếng ủng hộ thì bị truất phần hoàn toàn. Nếu lãnh đạo không ngả về cách mạng thì toàn bộ nhân viên ở cơ quan đó bị truất quyền lợi. Ai lên tiếng thì được tiếp quản nơi đó.
    10.Hỏi
    Tôi là cán bộ hành chính nhà nước, tôi có hưởng lợi không?
    Trả lời:
    Cán bộ hành chính nhà nước hiện nay lương rất thấp, rơi vào tình cảnh "ta muốn làm người lương thiện, ai cho ta lương thiện", một cơ chế làm việc tạo ra tính ì ạch, luộm thuộm, quan liêu, thăng tiến không minh bạch,...bất cứ ai có tài năng, lương tâm đều mệt mỏi.
    Cán bộ nhà nước nếu ủng hộ phong trào thì được trọng dụng, được có công sản.
    Cán bộ bình thường ở lại thì được tăng lương, làm việc đúng năng lực, phát huy hết khả năng trong nền hành chính pháp quyền.
    Cán bộ chấp nhận tinh giảm biên chế được bồi thường thỏa đáng qua phần công sản.
    Chung qui được hưởng một đất nước thịnh vượng, phát triển, con cháu có tương lai.

    Trả lờiXóa
  6. 11.Hỏi
    Tôi là cán bộ hưu trí, người được hưởng chính sách,...có bị ảnh hưởng không khi đất nước sang trang mới?
    Trả lời:
    Quyền lợi về chính sách được giữ nguyên, sẽ được tăng nếu đất nước phát triển. Con cháu có tương lai hơn hiện nay. Phong trào trân trọng lịch sử, không có chủ trương trả thù, bôi nhọ hoặc phá hoại quyền lợi hiện có, dù là bất cứ ai.
    Nếu các bác ủng hộ, đóng góp cho phong trào thì nhận lại sự tri ân xứng đáng.
    12.Hỏi
    Tôi là viên chức, cán bộ cấp cao, Đảng viên có ảnh hưởng không?
    Trả lời:
    Phong trào có chủ trương đoàn kết, hướng đến tương lai thịnh vượng, không có chủ trương trả thù, tịch thu, triệt phá tài sản. Trừ khi ông bà vi phạm pháp luật hiện hành, trường hợp này thì được xử theo luật hiện có.
    Nếu ông bà có công trong cuộc chuyển mình của đất nước thì được vinh danh, có thể là đứng vào tầng lớp tinh hoa của dân tộc để lãnh đạo đất nước khi đủ tài năng.
    Nếu ông bà chống lại thì bị trừng phạt: từ truất quyền lợi gia đình, họ hàng đến nêu danh xấu trên web công đến tịch thu gia sản, hoặc tử hình.

    Trả lờiXóa
  7. 13.Hỏi
    Tôi là công nhân, tôi có lợi gì?
    Trả lời:
    Nếu quan niệm công nhân là người làm công ăn lương, bán hàng hóa đặc biệt là sức lao động (có tên gọi là thị trường lao động)thì số phận của các bạn chỉ có thể tốt đẹp khi hàng hóa trên tốt (được đào tạo) và bán được giá cao (lương cao). Điều này hiện nay không thể tốt vì cả hai đều khó thực hiện: giáo dục xuống cấp, kinh tế nhà nước hiệu quả kém, suy thoái, tư nhân bị chèn ép, khó khăn. Số phận công nhân hiện nay rất bi thảm.
    Số phận của các bạn được thi đổi trong nhà nước mới vì khi đó giáo dục và kinh tế phát triển. Được sống trong một đất nước thịnh vượng, xã hội phát triển. Con cháu có tương lai.
    Nếu bạn ủng hộ phong trào, tổ chức được lực lượng ủng hộ, yểm trợ tranh đấu bạn được sở hữu công sản, có cơ hội đứng vào hàng ngũ tinh hoa lãnh đạo nếu có đủ tài năng.
    14.Hỏi
    Tôi là nông dân, tôi có lợi gì?
    Trả lời:
    Được công nhận tư hữu ruộng đất. Bãi bỏ qui định về giá đất, thu hồi, bồi thường tạo ra nhiều kẻ hở, phần thua thiệt thuộc về nông dân. Được hỗ trợ phát triển nông nghiệp trong nền kinh tế thị trường.
    Nếu ủng hộ phong trào, tổ chức được lực lượng ủng hộ, yểm trợ tranh đấu, sẽ được sở hữu công sản, có cơ hội đứng vào hàng ngũ tinh hoa lãnh đạo nếu có đủ tài năng.
    Chung nhất là có một đất nước thịnh vượng, con cháu có tương lai.

    Trả lờiXóa
  8. 15. Hỏi
    Tôi là một người dân bình thường (chạy xe ôm, buôn bán nhỏ, lao động tự do,....) có lợi gì không?
    Trả lời:
    Đất nước hướng đến dân chủ, luật pháp minh bạch, kinh tế thịnh vượng thì là phúc chung của nhiều người. Trong môi trường tốt đẹp, việc mưu sinh cũng thuận lợi hơn. Con cháu có tương lai tươi sáng hơn.
    Thời thế tạo anh hùng, nếu bạn ủng hộ phong trào, có đóng góp xứng đáng, có tài năng thì đường sự nghiệp rộng mở.
    16. Hỏi
    Phong trào chưa chỉ ra cái hại, cái họa tiềm ẩn?
    Trả lời
    Hoàn toàn không phải tốt khoe, xấu che, nói lấy được, với chủ trương dân hữu hóa không chỉ giải quyết bài toán kinh tế hấp hối hiện nay mà còn tạo ra một động lực to lớn, chính nghĩa, một sự ràng buộc hiệu quả cho việc thay đổi chính trị hướng đến những giá trị mà nền văn minh loài người tiến đến: nhà nước pháp quyền, đa nguyên, xã hội dân chủ, kinh tế dân doanh. Chỉ trong những thiết chế đó, cái tham lam, cái xấu xa của từng người mới bị khống chế hiệu quả mà không tạo ra sự triệt tiêu sáng tạo, sức lao động (kinh tế bao cấp triệt tiêu hết các động lực)và cũng chính trong các thiết chế đó động lực, sự sáng tạo, sức lao động mới được khơi nguồn, phát huy tối đa mang lại sự thịnh vượng cho đất nước, dân tộc.
    Nếu có cái hại thì là đã làm mất một chế độ toàn trị không hiệu quả và những ung nhọt nó gây ra cho nhân dân, đất nước, triệt phá những ổ nhóm ngày đêm hút máu dân tộc (doanh nghiệp nhà nước), đánh đổ một nhóm nhỏ kịch sĩ tay tư túi mà miệng hô vang đạo đức.
    Và một cái hại nữa là đánh đổ niềm tin của một thế hệ về một viễn cảnh tươi sáng cho đất nước nếu bằng ý chí sắt đá quyết tâm không gì lay chuyển nổi để tiến lên CNXH, ở đó có thiên đường Cộng Sản.
    Cuối cùng một cái họa hiện hữu rõ nhất là toàn dân chưa nhận thấy được sự chuyển động của bánh xe lịch sử, có thể vô tình làm cho bánh xe đi vào vết đổ vỡ năm 1288 của thời đại anh hùng không kém (nhà Trần).

    Trả lờiXóa
  9. 17.Hỏi
    Chương trình này có phải là một cái bánh vẽ, một mồi nhử đối với quần chúng nhân dân tham gia cách mạng như ĐCS đã từng làm với chủ trương người cày có ruộng, sau đó mọi việc vẫn như cũ?
    Trả lời
    Đây hoàn toàn không phải mồi nhử hay chủ trương lừa phỉnh. Vận động xã hội đúng đắn là dựa trên nền tư hữu, kinh doanh tự do, nhà nước pháp quyền. Lâu nay ta đã vận hành xã hội sai nên sinh ta bao tệ nạn cho đất nước, sửa sai phải triệt để. Từ niềm tin quốc hữu hóa tài sản để có lực lượng lao động tiên tiến, đem lại ấm no mọi người, chúng ta thực hiện mô hình doanh nghiệp nhà nước, nay điều đó đã chứng minh là sai, do vậy tốt nhất trao trả lại tài sản công cho người lao động. Đây là lợi ích lâu dài cho nhân dân, đất nước. Chấm dứt vĩnh viễn quan niệm kinh tế tập thể, kinh tế nhà nước, tài sản trao cá nhân thì không có lấy lại. Ngân sách quốc gia sẽ sung túc nếu doanh nghiệp tư nhân làm ăn thịnh vượng đóng thuế. Một đất nước có nền dân doanh mới bảo vệ được nền dân chủ.
    18 Hỏi
    Kinh tế tư nhân cạnh tranh khốc liệt, mọi người chạy theo đồng tiền, bất chấp, liệu có phải là điều tốt?
    Trả lời:
    Luôn có hai mặt, dao sắc cũng dễ đứt tay. Lòng tham thúc đẩy con người lao động sản xuất thì cũng thúc đẩy tội phạm. Doanh nghiệp tư nhân như dao sắc, phải nằm trong môi trường quản lý đất nước phù hợp thì mới phát huy hiệu quả, tránh cái hại. Trong nền chính trị dân chủ, nhà nước pháp quyền, báo chí tự do minh bạch, luật pháp nghiêm minh, khi đó doanh nghiệp buộc phải làm tốt, vì đó là con đường sống của họ. Họ cần làm ăn đàng hoàng để giữ thương hiệu tốt mà kinh doanh lâu dài. Sở dĩ chúng ta không có thiện cảm công ty tư nhân vì chúng ta đặt chúng trong môi trường không phù hợp: chính trị thối nát, cạnh tranh không công bằng giữa tư nhân-nhà nước,....khi đó tính xấu, cái hại phát huy, vì có làm như vậy họ mới tồn tại.

    Trả lờiXóa
  10. 19. Hỏi
    Tác giả có nghĩ đến nguy cơ gian lận, tranh giành khi thực hiện chương trình dân hữu hóa không?
    Trả lời:
    Bản tính con người là tư lợi, điều trên hoàn toàn có thể xảy ra. Để tránh gian lận cần làm minh bạch, các hộ gia đình nhận được bao nhiêu đều có thông tin lên web và có qui định trừng phạt xứng đáng với gian lận, có qui định thưởng công hậu hĩnh người phát hiện. Có thể nhiều người không tin vào qui định vì lâu nay nói hay nhưng khi làm bao che. Điều đó chỉ đúng trong nền chính trị toàn trị, báo chí bưng bít, các bạn nên đặt vấn đề vận hành trong thể chế mới.
    Vấn đề tranh giành sẽ không thể, vì đây không phải là cuộc hôi của vĩ đại. Có chương trình quốc gia với qui định rõ ràng đối tượng, mức độ ưu tiên, quyền lợi nhận được và trách nhiệm thuế khóa kèm theo. Tất cả phải có sự lên kế hoạch, tư vấn của chuyên gia kinh tế và thực hiện trên tinh thần minh bạch.
    Với sự so sánh được mất cho đất nước, tương lai của mọi người và sự hỗ trợ của công nghệ máy tính hiện nay, vấn đề thực hiện dân hữu hóa không quá khó.

    Trả lờiXóa
  11. 20. Hỏi
    Chương trình dân hữu hóa có phải làm một chìa khóa mở ra cánh cửa VN đến dân chủ thịnh vượng không?
    Trả lời:
    Đúng vậy. Nó không chỉ tạo ra động lực, niềm tin cách mạng cho quần chúng nhân dân; tạo ra một sự liên kết ràng buộc đủ mạnh để ai cũng phải lên tiếng mà còn hạn chế đối đa phản lực từ nhóm cầm quyền vì nó không gây thiệt hại cho họ. Chương trình dân hữu hóa là một lối thoát cho tình trạng bế tắt hiện nay của đất nước. Chỉ có điều vì nó quá mới mẻ so với cách làm lâu nay nên còn nhiều e ngại.
    Về lâu dài chương trình dân hữu hóa chặn đứng nguy cơ cướp đoạt để hình thành nên nhóm tài phiệt, chặn đứng nguy cơ nền dân chủ giả cầy như bên Nga. Thật sự mang lại tương lai bền vững cho đất nước.

    Trả lờiXóa
  12. 21. Hỏi
    Chương trình dân hữu hóa có phải là khắc tinh của độc tài, con cờ đomino không chỉ ở VN mà mở ra khả năng thúc đẩy dân chủ trên toàn cầu?
    Trả lời:
    Đúng vậy. Xét cho cùng nhân loại đã trải qua hai mô hình chính trị: Mô hình phi dân chủ: chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản sơ khai, phát xít, cộng sản, độc tài quân phiệt, dân chủ giả cầy,.... (xin gọi chung là độc tài để phân biệt) và mô hình chính trị dân chủ. Dù nhiều lý luận, nhiều chủ thuyết để kiến giải sự tồn tại nhưng có đặc điểm chung là nhóm cầm quyền không đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của toàn dân và một đặc điểm nữa là kinh tế, nguồn sống do nhóm thượng tầng nắm giữ: phong kiến với đất đai của vua, cộng sản với sở hữu tập thể, dân chủ giả cầy với tài sản bị tài phiệt thao túng,....Nguyên lý kinh tế cũng là chính trị và nguyên lý nắm dạ dày điều khiển cái đầu ít ai chú ý. (Hãy nhìn Triều Tiên để thấy nguyên lý này rõ mười mươi).
    Xoay quanh cuộc sống nhân loại vẫn là làm ăn, kế sinh nhai, từ khoa học gọi là kinh tế. Nhóm độc tài có quyền lực mạnh cũng là do mạch máu kinh tế nuôi, nhân dân yếu, hèn, không đoàn kết cũng vì bị nắm kế sinh nhai, đội ngũ trí thức cũng chịu chung số phận khi mà sau họ là cả một gia đình lớn.
    Chương trình dân hữu hóa đã giải quyết hiệu quả nguyên lý quá trình kinh tế thúc đẩy đưa đến thay đổi chính trị. Nó tạo ra sự liên kết, quyền lợi sát sườn cho tầng lớp dưới, không gây hại cho tầng lớp trên. Tổng thế mang lại thịnh vượng chung cho mọi người. Quá trình tiến đến dân chủ luôn được tầng lớp tiên tiến, các nước dân chủ trên thế giới ủng hộ.
    Nó là phương án tốt để làm tan rã các nền độc tài và phương án hay để các nền dân chủ có thể hỗ trợ các nền độc tài chuyển biến trong hòa bình, đúng luật pháp quốc tế.

    Trả lờiXóa
  13. Xin giới thiệu bài viết
    Kinh tế là động lực thúc đẩy mọi cuộc cách mạng
    http://dudoankinhte.wordpress.com/2011/10/28/kinh-te-la-dong-luc-thuc-day-moi-cuoc-cach-mang

    Trả lờiXóa
  14. HNP(HàNộiPhố)lúc 22:24 6 tháng 7, 2012

    Hoan nghênh loạt bài viết và ý tưởng về "chương trình dân hữu hóa nền kinh tế" của phong trào TNCQ do KS Nguyễn Văn Thạnh khởi dựng.

    Trả lờiXóa
  15. Kinh tế và chính trị là một cập bài trùng song hành khắn khít nhau và tươnh hợp nhau để thúc đẩy phát triển.Hiện tại trên Thế giới chỉ còn hai cặp kinh tế chính trị như sau:
    Kinh tế thị trường song hành với thể chê tự do,dân chủ ( Tư bản )
    Kinh tế chỉ huy(bao cấp) song hành với thể chế Cộng sản
    Mô hình Kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam là mô hình tự triệt tiêu,vì thi trường và XHCN như là dương với âm sẽ không phát triển được.
    Kết luận:Để đổi mới kinh tế theo hướng thị trường cũng phải thay đổi thể chế hiện nay theo hướng dân chủ.Câu hỏi đặt ra là Đảng CSVN có dám từ bỏ quyền lợi quá lớn đâng được hưởng hay không?

    Trả lờiXóa
  16. Rõ ràng ngày xưa VN tự hào là có nền chính trị và XH ổn định thì nay lợi thế đó đã mất đi. Những hành động leo thang xâm lược của TQ, tình hình Biển đông căng thẳng khiến cho những nhà đầu tư vào VN không khỏi lo lắng
    Một điều gần như chắc chắn là khi chiến tranh TQ-VN nổ ra (cho dù trên qui mô nhỏ) cũng là lúc tiền đồng VN mất giá thê thảm. Khi kinh tế sụp đổ thì chính trị cũng sụp đổ theo

    Trả lờiXóa